Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Những việc nên làm và không nên làm khi khởi nghiệp

Những việc nên và không nên làm khi khởi nghiệp?

5 điều nên làm: Tâm, Trí, Tín, Chí, Minh


Tâm: Làm việc vì ý nghĩa cuộc sống và mục tiêu tốt đẹp của công việc


Trí: Làm việc mà mình hiểu về nó và liên tục học hỏi để thành công. Thất bại cũng không nản, vì “Thất bại là mẹ thành công”.


Chí: Làm việc kiên tâm, kiên trì và làm tất cả kể từ việc nhỏ


Tín: Trong mọi trường hợp, kể cả khi thất bát thua thiệt, phải giữ đúng lời hứa và cam kết của mình. Chữ “tín” được coi là số 1 trong làm ăn, kinh doanh, thậm chí chữ “tín” còn được xem là chiến lược, là phương pháp kinh doanh.


Minh: có sự sáng suốt, biết nuôi dưỡng niềm đam mê và khát vọng thành công. Cần có tầm nhìn xa, nhạy bén; có sự quyết đoán, đột phá.


5 điều không nên làm:


Không thụ động, lười biếng, nản chí bỏ việc giữa chừng.


Không ăn gian, làm giả hay làm việc phạm pháp, chỉ nghĩ về lợi ích của mình mà quên đi người khác.


Không mạo hiểm theo lời người khác khi cả Tâm và Lực mình đều chưa sẵn sàng.


Không làm việc qua loa.


Không tự hành hạ mình vì thất bại. Khi thất bại, cần tỉnh táo để phân tích nhằm tránh thất bại ở lần sau. ( Theo Dân Trí)

Khởi nghiệp với 50 triệu đồng

Kết quả nhiều nghiên cứu xã hội học cho thấy hơn 52% bạn trẻ muốn làm chủ công việc của mình. Ước nguyện của các bạn là khởi nghiệp thành công. Nhưng làm sao đây khi trong tay bạn chỉ có một số vốn ít ỏi, cụ thể như con số 50 triệu đồng?

Nếu chỉ có số vốn 50 triệu đồng, liệu tôi có thể mở ra kinh doanh?

Có khá nhiều cơ hội cho việc khởi nghiệp với số vốn của bạn. Chúng tôi có thể gợi ý một số công việc đơn giản như: Làm chủ cửa hàng văn phòng phẩm, mở quán bán thức ăn sáng/ tối, làm chủ một cửa hàng hoa, mở dịch vụ gói quà và giao nhận quà; mở tiệm rửa xe…


Các bước khởi nghiệp?

Không bàn đến khởi nghiệp tự phát, chúng tôi muốn giúp bạn có định hướng căn bản để thành công trong việc khởi nghiệp.

Trước tiên bạnphải biết khách hàng của mình là ai? Họ sống ở đâu? Thói quen của họ là gì? Họ thường làm gì? Mua gì? Mua như thế nào và trả giá bao nhiêu cho sản phẩm họ thích?… Tóm lại bạn phải thấu hiểu khách hàng mục tiêu. Lưu ý đây là khách hàng thật chứ không phải khách hàng tưởng tượng. Người thợ săn cần nhắm vào con chim nhất định trong bầy để bắn thì sẽ có nhiều khả năng bắn hạ được nó. Nếu chỉ bắn bừa thì bầy chim nghe động sẽ bay hết thôi.

Kế đến bạn cần lên kế hoạch kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mục tiêu, kế hoạch kinh doanh cần đáp ứng được các tiêu chí sau đây:


- Có hệ thống: Việc này liên thông và hỗ trợ việc kia.


- Trả lời được 5W (What? Why? When? Where? Who?) cùng 2 H (How we/they do that? How much that cost?)


- Thực tiễn có tính khả thi.


- Tính được ROI (Return on Investment) để xác định chu kỳ vốn, lãi suất và cân đối đầu tư. Điều cần lưu ý là kể cả khi bắt đầu bạn sử dụng mặt bằng nhà mình và không nhận lương, bạn vẫn cần phải tính các khoản này vào chi phí để xác định hiệu quả thật của việc kinh doanh.


Chọn quy mô và loại hình kinh doanh: Loại hình kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty THHH một thành viên, công ty TNHH nhiều thành viên, công ty cổ phần hay công ty liên doanh liên kết.


Nghĩ và thiết kế tên, thương hiệu, biểu tượng


Thực hiện các thủ tục cần thiết với cơ quan quản lý. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách liên hệ với chính quyền địa phương, sở Kế hoạch - Đầu tư và cơ quan thuế nơi bạn sẽ hoạt động hay đăng ký kinh doanh để nhận được các mẫu biểu và kê khai viết theo các biểu mẫu này. Sau đó nộp lại để nhận phiếu hẹn và các hướng dẫn tiếp theo. Bạn cũng có thể thuê một đơn vị dịch vụ làm việc này. Thông thường là các công ty kiểm toán, tư vấn và văn phòng luật sư. Phí cho dịch vụ này hiện dao động từ 8.00 nghìn đến 1 triệu đồng.( Theo Dân Trí)

Kinh doanh theo nhóm

Bài 2: Kinh doanh theo nhóm

Kinh doanh theo nhóm được hiểu là việc hai hoặc nhiều thành viên cùng nhau góp vốn để kinh doanh. Các loại hình mà chúng ta có thể tìm thấy là các loại hình sau: Công ty TNHH và Công ty Cổ Phần

Chúng ta khoan hãy bàn về vấn đề góp vốn như thế nào, ai quản lý doanh nghiệp mà hãy tập trung quan tâm tới việc công ty như thế khởi nghiệp có gì thuận lợi và khó khăn. “Buôn có bạn, bán có phường”, việc đứng ra một mình kinh doanh một mình là việc rất mạo hiểm và mang tính rủi ro cao. Thường khi khởi nghiệp người ta thích tìm những bạn bè cùng chí hướng. Những bạn bè này không chỉ là những người góp vốn mà sẽ là những người cùng điều hành công ty. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao" một người làm việc sẽ vấp phải nhiều vấn đề khó khăn, nhưng nhiều người cùng làm việc sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Khởi nghiệp theo nhóm giúp bạn có thể phân tán rủi ro vì có nhiều người tham gia cùng bạn góp vốn, cùng bạn điều hành công ty, mặt khác bạn cũng có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp và đảm nhận nhiều vị trí khác nhau. Khởi nghiệp cùng nhóm còn có thể đảm bảo các nguyên tắc quản trị khi các quyết định kinh doanh, quản trị doanh nghiệp sẽ dựa trên quyết định của tập thể. Ngoài ra làm việc nhóm sẽ đem lại sự sáng tạo trong sản xuất,kinh doanh vì có sự tham gia brainstorming-một phương pháp tư duy theo nhóm -của nhiều người.

Khởi nghiệp luôn là hành trình gian nan, vất vả đầy cam go, nếu có những người bạn đồng hành ở bên cạnh trợ giúp thì con thuyền sẽ đi đúng hướng và mau tới đích hơn là loay hoay một mình giữa biển cả mênh mông. Mặc dù vậy con thuyền nào cũng đòi hỏi thuyền trưởng cũng như doanh nghiệp cần có lãnh đạo. Lúc này chúng ta phải quyết đinh xem ai là người sẽ lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Người lãnh đạo giỏi sẽ là người đi đầu và xây dựng lên nhóm làm việc của mình. Họ có nhiều xu hướng, phong cách khác nhau nhưng họ phải có một điểm chung là điều hành tốt nhóm của mình.

Khởi nghiệp với nhóm có điểm tốt nhưng cũng tồn tại những mặt hạn chế mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra như xung đột về lợi ích khi góp vốn, quản lý doanh nghiệp, chia lợi nhuận, rút vốn… và những xung đột khác trong quyết định của doanh nghiệp.

Bản thân tôi và các bạn của tôi cũng rất đam mê mở một doanh nghiệp khi ra trường kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Chúng tôi ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã phân chia nhau nghiên cứu một số phần trong doanh nghiệp để tập sự làm các dự án kinh doanh. Tôi là trưởng nhóm nên nghiên cứu bao quát toàn bộ doanh nghiệp và bộ phận marketing. Sau quá trình làm việc với nhau với dự án Café Doanh Nhân, chúng tôi đã thu được cả thành công và thất bại. Thành công lớn nhất mà chúng tôi nhận được là tinh thần làm việc nhóm, sự chia sẻ, sự sáng tạo của tập thể, chỉ với vài tháng hè chúng tôi đã cho ra đời một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh. Trong thời gian làm việc nhóm tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm quản lý, tác phong làm việc,lãnh đạo… và vấn đề tôi thấy khó khăn nhất là sự nhất trí các quyết định của nhóm. Không chỉ bản thân nhóm của tôi mà các doanh nghiệp có hai thành viên trở lên luôn luôn mắc phải sự xung đột này, nhiều doanh nghiệp chỉ vì không giải quyết được các xung đột này đã thất bại ngay từ nội bộ. Cho dù sau này chúng tôi có mở hay không mở doanh nghiệp mà mình mong muốn nhưng câu hỏi lớn nhất mà chúng tôi đặt ra là "Chúng ta chơi với nhau tốt nhưng làm việc với nhau có thật sự hiệu quả?" (theo saga.vn)

Một cá nhân đứng ra khởi nghiệp là gì?

Bài 1: Một cá nhân đứng ra khởi nghiệp là gì?

Khi một cá nhân đứng ra khởi nghiệp là việc anh ta sử dụng vốn và trí não để kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cho bản thân. Bản thân những người tự mình đứng ra khởi nghiệp luôn là những người có đam mê và nhiệt huyết. Không chỉ riêng cá nhân tôi và xã hội luôn phải trân trọng những con người này, bao năm bao cấp chúng ta đã có những suy nghĩ sai lầm về kinh doanh và điều đó đã đẩy nước nhà vào khủng hoảng vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau đổi mới, có rất nhiều doanh nghiệp ra đời và đã cho ra đời một thế hệ doanh nhân đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Họ là những con người có tầm nhìn, có những khát vọng và dám đứng ra để đương đầu với những thử thách để xây dựng cho bản thân và đất nước những doanh nghiệp mà ngày nay chúng ta đã nhìn thấy họ dám đương đầu với những thách thức bên ngoài như Trung Nguyên, Kinh Đô, Thái Tuấn , Mai Linh, LiOA, Prime Group…

Chúng ta đáng tự hào và kính trọng họ về những cố gắng, công sức của họ đưa Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Những doanh nhân trên có những thành công có thể xuất phát từ bản thân, có thể xuất phát từ một tập thể. Nhưng liệu đã bao giờ bạn đặt câu hỏi :

"Tự mình kinh doanh tốt hơn hay kinh doanh với một nhóm người tốt hơn?"

Để giúp những doanh nhân thể hệ trẻ có thể chuẩn bị hành trang khi khởi nghiệp chúng ta phải biết chúng ta sẽ làm gì? làm như thế nào? liệu có thể làm được không?

Cá nhân kinh doanh

Chúng ta sẽ bắt đầu nói về việc tự bản thân đứng ra kinh doanh. Một cá nhân khi đứng ra kinh doanh có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư sau :

- Kinh doanh cá thể (Hộ gia đình)

- Doanh nghiệp tư nhân

Đây là sự phân chia mà khi ngồi trên giảng đường ai cũng đã biết khi học về các thành phần kinh tế. Kinh doanh cá thể có thể đem lại cho ông chủ toàn bộ lợi nhuận trên vốn bỏ ra, người làm chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định vận mệnh của doanh nghiệp mình. Cá nhân kinh doanh sẽ giúp cho bản thân họ không phải đi làm thuê cho người khác mà đi làm thuê cho chính mình. Tự họ bỏ tiền, tự họ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp thuộc dạng này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng kinh doanh tự phát, số vốn cũng không lớn vì khó có thể huy động các nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Khởi nghiệp theo hình thức kinh doanh một mình có những điểm lợi và cũng có những điểm hại do tỉ lệ rủi ro cao vì tập trung toàn bộ vốn vào kinh doanh, mặt khác vì tự kinh doanh nên quyền quyết định sẽ nằm ở người chủ, khi đó sẽ nảy sinh sự độc đoán, bảo thủ… Các cụ xưa đã có câu " Đơn thương độc mã" để ám chỉ những hình ảnh cô đơn lang thang trên một con đường mà không có ai là bầu bạn. Con đường có thể dài có thể ngắn, chàng hiệp sỹ có thể giỏi có thể không, lấy gì đảm bảo cho chàng sẽ an toàn đi được đến đích.
(theo Saga.vn)

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Chiến lược kinh doanh quan trọng như thế nào?

Bạn có nghĩ rằng chiến lược kinh doanh là cái sống còn còn của doanh nghiệp? Doanh nghiệp có nên phổ biến rộng rãi chiến lược cho các nhân viên trong doanh nghiệp?
Xin mời thảo luận....

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

Các phương tiện Marketing trực tuyến ?

Các phương tiện marketing trực tuyến bao gồm nhiều phương thức khác nhau mà các công ty có thể sử dụng để giới thiệu về sản phẩm đến các doanh nghiệp và cá nhân tiêu dùng. Tuy nhiên, việc ứng dụng các phương tiện marketing trực tuyến thường khác so với việc sử dụng các phương tiện truyền thống. Một số phương thức thông dụng trong marketing trực tuyến như sau:

* Quảng cáo trực tuyến

Trong phương thức này, các công ty mua không gian quảng cáo trên trang web được sở hữu bởi các công ty khác. Có sự khác biệt giữa quảng cáo trực tuyến và việc đưa nội dung lên trang web của mình, rất nhiều công ty đã nhầm lẫn giữa hai công việc này và nghĩ rằng trang web của mình chính là một quảng cáo trực tuyến. Quảng cáo trực tuyến có ý nghĩa rất đặc biệt trong hoạt động marketing: Khi một công ty trả tiền cho một khoảng không nhất định nào đó, họ cố gắng thu hút được người sử dụng và giới thiệu về sản phẩm và những chương trình khuyến mại của họ. Có nhiều nhiều cách để tiến hành quảng cáo trực tuyến. Ví dụ, các công ty có thể mua quảng cáo được đặt trong thư điện tử được gửi bởi những công ty khác. Hoặc đặt những banner quảng cáo trong các bản tin được gửi đi từ các website.

* Catalogue điện tử

Một trong những thay đổi so với marketing truyền thống là khả năng của các công ty để đưa mẫu sản phẩm lên mạng. Đó là tất cả các sản phẩm cho phép khách hàng nhìn thấy, tìm kiếm thông tin về tính năng sử dụng, chất liệu, kích thước... Thêm vào đó, những phiếu thưởng trực tuyến và những chương trình xúc tiến bán hàng khác sẽ tiết kiệm được chi phí cho các nhà marketing trực tuyến khi giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

* Phương thức thư điện tử

Có ba loại marketing bằng thư điện tử.

Loại thứ nhất liên quan đến thư điện tử được gửi đi từ công ty đến người sử dụng nhằm mục đích quảng bá sản phẩm - dịch vụ, thúc đẩy khả năng mua hàng.

Dạng thứ hai của email là các kênh ngược lại; từ người sử dụng đến công ty. Người sử dụng mong muốn nhận được một sự gợi ý và những câu trả lời đầy đủ cho những đòi hỏi của họ. Theo Amazon.com, chức năng này rất quan trọng để phát triển quan hệ khách hàng và họ đã đưa một số nhân viên có tài năng vào trong dịch vụ khách hàng.

Hình thức thứ ba là thư điện tử từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng. Thư tín điện tử từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng được sử dụng để hỗ trợ các công ty marketing.(su tap tu vnnetsoft).

Nhan xet: Bai nay hinh nhu con hoi chung chung? Ai co cao kien gi thi vui long he lo? Cam on...

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Quản lý doanh nghiệp: Ðầu tàu hay con cua - Một mô hình quản lý mới do Ông Đỗ Thanh Năm đưa ra đăng trên Báo Nhịp Cầu Đầu Tư

Từ bỏ gánh nặng quản lý theo "đầu tàu" và phát huy ưu điểm của mô hình {con cua}, nhà quản lý sẽ tạo được sức mạnh tổng thể trong doanh nghiệp.

Ai cũng biết con cua có 8 cái chân và 2 cái càng. Mặc dù chỉ di chuyển theo chiều ngang, nhưng mỗi lúc di chuyển, 8 chân và 2 càng phối hợp với nhau rất nhịp nhàng và đồng bộ. Nếu không may mất đi 1, 2 càng hoặc chân, sự di chuyển của chúng vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.

Nếu ví doanh nghiệp là con cua, lãnh đạo là 2 cái càng, các phòng ban và nhân viên là những cái chân, thì hoạt động của doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất nhịp nhàng và đồng bộ. Vậy tại sao chúng ta không vận dụng ưu điểm của con cua vào việc quản lý nhằm phát huy tối đa khả năng đóng góp của từng cá nhân, phòng ban vào sự phát triển chung của doanh nghiệp?

Gánh nặng quản lý kiểu "đầu tàu"
Hiện, có không ít doanh nghiệp Việt Nam quản lý theo mô hình "đầu tàu", trong đó, lãnh đạo đóng vai trò đầu tàu, kéo theo toàn bộ "toa tàu" phía sau. Có trường hợp lãnh đạo đi nhanh quá, nhân viên theo không kịp, hoặc do nhân viên đi quá chậm, khiến khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên ngày càng lớn hơn. Ðiều này tạo ra một thói quen xấu: chỉ khi lãnh đạo đốc thúc, thì nhân viên mới làm việc. Vì thế, một khi lãnh đạo đi công tác xa, hay có việc gì bất ngờ, thì mọi hoạt động đều bị đình trệ.

Trong một doanh nghiệp, lãnh đạo vừa xác định hướng, vừa chạy mở đường, vừa kéo theo một nhóm nhân viên phía sau, sẽ không thể nào chạy nhanh và cũng không đủ sức để tham gia cuộc chạy đua đường dài. Có những lúc lãnh đạo thiếu sáng suốt, chắc chắn đầu tàu sẽ chạy lệch, dẫn đến toàn bộ nhân viên đều đi "trật đường ray". Và đến khi lãnh đạo muốn tìm người thay thế mình, thì không có ai có thể đứng ra đảm đương công việc.

Một doanh nghiệp mà sự phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào một số cá nhân, sẽ có những rủi ro nhất định và trên hết là không thể hiện đúng chức năng thật sự của lãnh đạo. Ðó là vai trò nâng cao tầm quan trọng và vị thế của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp để đóng góp của họ ngày càng nhiều hơn.

Trong khi đó, ở một số doanh nghiệp, lại xuất hiện trường hợp ngược lại: mỗi nhân viên, phòng ban cứ mạnh ai nấy chạy, không nhịp nhàng, không cùng một hướng, dẫn đến tình trạng người chạy nhanh phải chờ người chạy chậm, hoặc cứ đủng đỉnh đi, mặc cho đối thủ cạnh tranh bỏ xa mình. Những thói quen như thế đã đi vào cuộc sống hàng ngày của doanh nghiệp, buộc nhà lãnh đạo phải chọn mô hình quản lý theo kiểu "đầu tàu", nếu không sẽ khó đưa hoạt động doanh nghiệp đi vào nề nếp. Cách quản lý này chỉ có ưu điểm trong một giai đoạn nhất định và đến một lúc nào đó, sẽ xuất hiện những hạn chế như đã đề cập ở trên.
Lúc này, vận dụng những ưu điểm quản lý theo mô hình "con cua" lại phát huy tác dụng. Lãnh đạo phải bố trí công việc phù hợp với sở trường của từng nhân viên, tạo cơ hội để họ phát triển và tự khẳng định mình. Thông qua công việc cụ thể, lãnh đạo sẽ nắm rõ năng lực từng người để phát huy điểm mạnh của họ. Bản thân nhân viên, qua rèn luyện, sẽ trở nên vững vàng hơn, có thể gánh vác bớt trách nhiệm của lãnh đạo. Nếu trong doanh nghiệp, không tìm được người có năng lực phù hợp thì phải tuyển từ bên ngoài. Ðó chính là quá trình tạo ra những "cái chân con cua" vững chắc, có thể đảm đương những công việc quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động nhịp nhàng của doanh nghiệp. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các phòng ban, nhân viên phối hợp với nhau một cách đồng bộ?
Ưu thế của mô hình "con cua"
Muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải tập luyện. Cách hiệu quả nhất là lên kế hoạch làm việc rõ ràng, đồng bộ, chuyên nghiệp cho từng cá nhân, từng phòng ban và toàn doanh nghiệp. Ðối với cá nhân, cuối mỗi ngày làm việc, mỗi người nên dành ra 5 phút để viết kế hoạch làm việc cho ngày hôm sau. Thực tế chứng minh, chỉ bỏ ra 5 phút để viết kế hoạch, các nhân viên sẽ tiết kiệm được 1 giờ làm việc, kết quả đạt được sẽ cao hơn, mức độ năng động của mỗi cá nhân và doanh nghiệp cũng được nâng lên. Kế hoạch làm việc rõ ràng sẽ giúp mỗi người nhận ra điểm mạnh của mình thông qua việc so sánh mục tiêu và kết quả đạt được. Từ đó, bằng cách tổ chức công việc theo thế mạnh, mỗi người sẽ có đóng góp cao nhất cho doanh nghiệp.
Ðối với kế hoạch từng phòng ban và cho cả doanh nghiệp, thì mức độ đòi hỏi sẽ cao hơn. Khi mỗi bộ phận lập kế hoạch, đừng quên mời các bộ phận, cá nhân có liên quan tham gia. Trong quá trình lập kế hoạch, phải đảm bảo tính chính xác và khả thi trong việc đặt ra mục tiêu; từ mục tiêu, xác định các công việc cần làm theo tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng, quan hệ nhân quả, thứ tự ưu tiên; đối với mỗi công việc, phải làm rõ lợi ích của chúng, bộ phận hay cá nhân nào sẽ thực hiện, bộ phận nào sẽ hỗ trợ (phải có sự phân công công việc, trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng), phương pháp thực hiện (cách tiếp cận vấn đề, quy trình thực hiện, phương pháp dự phòng nếu có), thời gian thực hiện (khi nào bắt đầu, kết thúc, thời gian chậm trễ cho phép, những thiệt hại, ảnh hưởng do chậm trễ gây ra), nơi thực hiện, phương tiện cần sử dụng, ngân sách cho việc thực hiện. Doanh nghiệp cần cụ thể hóa kế hoạch theo tuần, tháng, quý, năm. Nếu được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin, việc lập kế hoạch sẽ không tốn nhiều thời gian. Khi cần thiết thay đổi một công việc nào đó, các công việc khác tự động thay đổi theo hoặc được báo để điều chỉnh kịp thời.
Ví dụ, một doanh nghiệp, sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy chi phí sản xuất quá cao đã làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Doanh nghiệp đó đặt ra mục tiêu hạ 10% giá thành sản xuất của nhà máy. Như vậy, các công việc cần làm sẽ bao gồm giảm tồn kho, giảm chi phí mua hàng, tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí hoạt động. Khi xác định nguyên nhân chính là do chất lượng nguyên vật liệu kém, doanh nghiệp tiến hành làm việc lại với nhà cung ứng để có được nguyên vật liệu đạt tiêu chuẩn và giá cả hợp lý bên cạnh việc tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng. Ðồng thời, với việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới, doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa được nguồn nguyên liệu. Bộ phận phụ trách có thể triển khai công việc này trong tháng, đến cuối tháng sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và mời Ban giám đốc và các phòng ban khác tham dự.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần lập hệ thống kiểm soát kế hoạch hiệu quả, khuyến khích từng phòng ban tự kiểm soát, đồng thời xây dựng bản mô tả công việc rõ ràng để mỗi nhân viên tự chấn chỉnh. Doanh nghiệp cũng phải thúc đẩy sự chia sẻ thông tin giữa các cá nhân và bộ phận trong doanh nghiệp, phải lấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban làm một trong những cơ sở để điều chỉnh sơ đồ tổ chức.
Doanh nghiệp có thể trực tiếp vận dụng ưu điểm của mô hình con cua vào trong quản lý, hoặc thực hiện gián tiếp bằng cách nhờ nhà tư vấn. Làm được điều này, doanh nghiệp sẽ hạn chế tối đa chi phí phát sinh, chi phí không tạo ra giá trị gia tăng và trên hết là trở thành một khối vững chắc trong cuộc chạy đua đường dài.
Th.sĩ ÐỖ THANH NĂM
Chủ tịch - Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược Win-Win